Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 8/6

Kiện toàn Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương

Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định kiện toàn Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương. Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Chủ tịch Hội đồng.

Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng), Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.

Các Ủy viên Hội đồng gồm: Trưởng ban Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang (Ủy viên Thường trực), Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Lương Cường, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải, đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Văn Được, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương Phạm Đức Toàn.

Theo Quyết định 168/2007/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, nhiệm vụ của Hội đồng là thực hiện sự phối hợp giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và các tổ chức nghề nghiệp trong việc tham mưu đề xuất các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng và tổ chức các phong trào thi đua trong phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó, định kỳ đánh giá tình hình phong trào thi đua và công tác khen thưởng; kiến nghị, đề xuất với Đảng và Chính phủ đề ra các chủ trương, biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua trong từng năm và trong từng giai đoạn, tham mưu, tư vấn cho Đảng và Nhà nước về tổng kết lý luận và thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng; đề xuất sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về thi đua, khen thưởng.

Đồng thời, đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách về thi đua, khen thưởng đối với các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Xét chọn các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đề nghị Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, danh hiệu tỉnh Anh hùng, thành phố Anh hùng.

Thành lập BCĐ tổng kết 20 năm đổi mới, phát triển kinh tế tập thể

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Theo quyết định, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Phó Trưởng ban gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (thường trực), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Ủy viên Ban Chỉ đạo là các Ủy viên Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Giúp việc Ban Chỉ đạo có Tổ Biên tập do Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tổ chức tổng kết, xây dựng Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; dự thảo Nghị quyết mới để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư (vào quý I/2020).

* Việc tổng kết nhằm đánh giá kết quả triển khai và tình hình phát triển kinh tế tập thể sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, gồm: Kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đề xuất định hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế tập thể thời gian tới phù hợp với tình hình thực tế, phục vụ việc xây dựng dự thảo Nghị quyết mới về phát triển kinh tế tập thể.

Thủ tướng gửi thư khen đội tuyển bóng đá nam quốc gia Việt Nam

Rạng sáng ngày 8/6/2021, tại Vòng loại World Cup 2022, Đội tuyển bóng đá Việt Nam đã có chiến thắng giòn giã với tỉ số 4-0 trước Indonesia. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng toàn thể Đội tuyển bóng đá nam quốc gia Việt Nam, Ban huấn luyện và cá nhân Huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo.

Trong thư, Thủ tướng Phạm Minh Chính viết: “Nhân dân và người hâm mộ bóng đá cả nước rất vui mừng trước kết quả thi đấu tuyệt vời của Đội tuyển bóng đá nam quốc gia Việt Nam tại Vòng loại World Cup 2022. Đội tuyển của chúng ta thi đấu xuất sắc, giành thắng lợi rất thuyết phục trước một đội bóng lớn trong khu vực, tiếp tục vị trí dẫn đầu bảng đấu, mang lại niềm vui, tự hào cho Tổ quốc, nhân dân và người hâm mộ cả nước.

Chiến thắng này là kết quả của tinh thần đoàn kết, đấu pháp, chiến thuật hợp lý, trình độ kỹ thuật cá nhân, bản lĩnh, ý chí, nghị lực và tinh thần thể thao cao thượng, được hun đúc từ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và là ý chí vươn lên mạnh mẽ qua các thời kỳ của con người Việt Nam ở từng lĩnh vực. Kết quả này là thành quả của quá trình nỗ lực trong tập luyện, quyết tâm trong thi đấu của cả Đội tuyển dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đồng bào ta ở trong nước, ở nước ngoài, tôi gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới toàn thể Đội tuyển bóng đá nam quốc gia Việt Nam, Ban huấn luyện và cá nhân Huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo.

Các trận đấu tiếp theo còn nhiều khó khăn, thách thức, người hâm mộ cũng như nhân dân cả nước mong muốn Đội tuyển không chủ quan, say sưa với thắng lợi, tiếp tục giữ vững tinh thần đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương, phát huy thành tích đã đạt được và niềm tin chiến thắng vì màu cờ, sắc áo của quốc gia, dân tộc, quyết tâm thi đấu đạt kết quả cao nhất, đáp lại niềm tin và tình yêu của đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài.

Chúc toàn thể Đội tuyển mạnh khỏe, thành công và chiến thắng./.”

Tổng Giám đốc hai cơ quan thông tấn, báo chí thôi giữ chức vụ từ 1/6

Thủ tướng Chính phủ đã ký các quyết định về nhân sự lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam. Cụ thể, tại Quyết định 857/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định ông Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, thôi giữ chức vụ Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam từ ngày 1/6/2021.

Tại Quyết định 858/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, thôi giữ chức vụ Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam từ ngày 1/6/2021.

Phấn đấu hoàn thành tuyến Vành đai 3, 4 TPHCM trong giai đoạn 2021-2025

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng điều phối tổ chức triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 TPHCM; phấn đấu hoàn thành 2 tuyến trên trong giai đoạn 2021-2025.

Đường Vành đai 3, Vành đai 4 TPHCM là các tuyến vành đai cao tốc đô thị, kết nối các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; liên kết, phát huy hiệu quả các tuyến đường bộ cao tốc và quốc lộ hướng tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô TPHCM và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực. Mặc dù có vai trò rất quan trọng, nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện rất chậm, không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, đặc biệt là TPHCM.

Theo Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 3 và Quyết định số 1698/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 TPHCM, UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chủ động kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng dự án thành phần, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất. Đến nay, tuyến Vành đai 3 mới chỉ hoàn thành 16,3 km/89 km; tuyến Vành đai 4 hoàn thành 11 km/197,6 km. Việc chậm triển khai đã dẫn đến chi phí giải phóng mặt bằng tăng nhiều lần, làm tăng chi phí đầu tư, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và khu vực…

Để sớm hoàn thành 2 tuyến đường này đáp ứng tiến độ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan lập phương án phân chia các dự án thành phần, theo hướng triển khai tối đa theo phương thức PPP; hướng dẫn và đôn đốc các địa phương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án; các địa phương có trách nhiệm bố trí vốn giải phóng mặt bằng; phần vốn tham gia của nhà nước trong các dự án PPP sử dụng kết hợp ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Bộ Giao thông vận tải và các địa phương có liên quan lưu ý rà soát điều chỉnh quy hoạch, tích hợp quy hoạch, hướng tuyến cho phù hợp để giảm chi phí giải phóng mặt bằng, hạn chế tối đa sử dụng đất rừng (nếu có). Đồng thời, đầu tư hệ thống đường song hành, đường gom để khai thác giá trị đất đai, phát triển khu đô thị, cơ sở hạ tầng, du lịch, dịch vụ, các cụm công nghiệp…, thực hiện đấu giá quỹ đất để tạo vốn đầu tư hạ tầng giao thông. Phương án thu phí đường cao tốc cần thực hiện theo hình thức không dừng để giảm chi phí đầu tư trạm thu phí, tăng hiệu quả khai thác.

Các địa phương rà soát quỹ đất trong phạm vi giải phóng mặt bằng (bao gồm cả quỹ đất hai bên đường), cương quyết thu hồi các dự án không triển khai theo tiến độ cam kết để thực hiện các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Đồng thời, triển khai ngay phương án tái định cư, bảo đảm quyền lợi của người bị thu hồi đất, chú ý tái định cư tại chỗ; di dời hạ tầng kỹ thuật để kịp tiến độ giải phóng mặt bằng.

Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế cho các địa phương vay vốn từ Quỹ bảo hiểm xã hội, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các nguồn vốn khác để thực hiện giải phóng mặt bằng.

Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng điều phối tổ chức triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến Vành đai 3 và Vành đai 4.

Bộ Giao thông vận tải xây dựng báo cáo tổng thể kế hoạch triển khai thực hiện, lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2021. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 (trong đó tuyến Vành đai 3 và Vành đai 4 TPHCM), trình các cấp có thẩm quyền quyết định một số cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng chung. Phấn đấu tuyến Vành đai 4 hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

* Trong cuộc họp tại TPHCM vào sáng 14/5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, với tuyến đường Vành đai 2, TPHCM phải hoàn thành trong năm 2022, tuyến đường Vành đai 3 phải xong trước 2025.

Rà soát các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương nghiên cứu các kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương về các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của mình.Kết quả nghiên cứu và phương án xử lý gửi Bộ Tư pháp trước ngày 30/6/2021 để tổng hợp.

Phó Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương về các quy định pháp luật gây mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát và phương án xử lý theo Kế hoạch hoạt động của năm 2021 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Trên cơ sở kết quả rà soát tính đến thời điểm hiện nay, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết, báo cáo Chính phủ trước ngày 20/6/2021 để Chính phủ xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thường kỳ, hoặc phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2021 là “đối với những quy định ở các luật, pháp lệnh đang còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, vướng mắc cho đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội thì nghiên cứu, xây dựng dự thảo nghị quyết cả gói trình Quốc hội Khóa XV, kỳ họp thứ nhất để xử lý tổng thể, kịp thời”.

* Tại Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021, Chính phủ giao trên cơ sở kết quả ban đầu đã rà soát và thống nhất giữa các bộ, ngành, Bộ Tư pháp có trách nhiệm đôn đốc việc gửi báo cáo để tổng hợp, hoàn thiện dự thảo quyết định và danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới với tiến độ và nội dung cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và làm cơ sở để đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2021, 2022 và các năm tiếp theo.

Trên cơ sở báo cáo của các bộ, cơ quan liên quan, Bộ Tư pháp đã tổng hợp, phân loại, theo đó tổng số văn bản được đề xuất, kiến nghị là 435 văn bản, bao gồm: 84 luật, 1 nghị quyết của Quốc hội, 3 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 192 nghị định, 18 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 137 văn bản do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành. Trong đó nhiều kiến nghị, đề xuất tập trung vào một số luật, nghị định như: Luật Đất đai, Luật Công chứng, Luật Khoáng sản, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Xây dựng…

Hỗ trợ bổ sung 500.000 Test nhanh kháng nguyên cho Bắc Ninh

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ, ngành kịp thời tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc cho Bắc Ninh với phương châm “ba không, bốn tại chỗ”.

Theo báo cáo của tỉnh Bắc Ninh, hiện nay Tỉnh có 12 khu công nghiệp đang hoạt động với 1.120 doanh nghiệp, hơn 320.000 công nhân (chưa bao gồm 100.000 lao động trong các cụm công nghiệp, doanh nghiệp bên ngoài các khu công nghiệp). Năm 2020, riêng khu công nghiệp đã đóng góp 1.162 nghìn tỷ giá trị sản xuất công nghiệp (chiếm 86% toàn tỉnh), nộp ngân sách 11,3 nghìn tỷ (chiếm 40%). Hiện có nhiều tập đoàn lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu thực hiện đầu tư, hoạt động sản xuất quy mô lớn tại Tỉnh, điển hình như Samsung, Canon, Foxcon… Tỷ lệ đóng góp của giá trị sản xuất khu công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong tỷ trọng cơ cấu kinh tế của tỉnh, đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế của tỉnh.

Là tỉnh có mật độ dân số đông, sản xuất công nghiệp lớn, nhiều công nhân lại chủ yếu lao động ngoài tỉnh (240.000 lao động của 21 tỉnh) nên có hoạt động giao thương lớn; nhiều doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực sản xuất điện tử, không gian hẹp, kín…, đồng thời Tỉnh nằm tiếp giáp với tỉnh Bắc Giang (đang có số ca nhiễm lớn trong khu công nghiệp) và thành phố Hà Nội, đây là những yếu tố lớn làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh COVID-19. Tính đến ngày 2/6/2021, đã có 8/8 huyện, thành phố có ca bệnh với 150 ổ dịch. Ca bệnh đã xuất hiện cả trong cộng đồng (715 ca, chiếm 76% số ca) và đang có sự dịch chuyển vào doanh nghiệp (219 ca). Dịch bệnh đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh, làm gián đoạn hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp quy mô lớn, có nguy cơ gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Hiện đã có trên 195.000 lao động ngừng việc, đời sống sinh hoạt hàng ngày gặp khó khăn (trong đó có nhiều lao động là người dân tộc thiểu số).

Kiểm soát dịch trong cả cộng đồng và doanh nghiệp

Tại Thông báo số 152/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 với tinh thần chống dịch như chống giặc; chủ động dự báo sớm và sát diễn biến tình hình dịch; cần có giải pháp tăng cường, chặt chẽ, mạnh mẽ, đồng bộ kiểm soát dịch bệnh cả trong cộng đồng và trong doanh nghiệp, cố gắng cao nhất không để bùng phát trong doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp… Tiếp tục thực hiện phương châm lấy tấn công là chủ yếu theo tinh thần thần tốc hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa; thực hiện chiến lược tiêm phòng vaccine là nhiệm vụ quan trọng, mang tính dài hạn.

Khẩn trương tổ chức, triển khai hoàn thành tiêm số lượng vaccine đã được Bộ Y tế phân bổ, đúng tiến độ.

Bộ Y tế tiếp tục rà soát để bổ sung đối tượng ưu tiên tiêm vaccine, kịp thời bổ sung vaccine cho tỉnh Bắc Ninh.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Tài chính, Y tế, Công an, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn kịp thời tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc cho Tỉnh với phương châm “Ba không: Không nói thiếu kinh phí, phương tiện, vật tư y tế, sinh phẩm…; không nói thiếu nhân lực; không nói thiếu quy định và cơ chế, chính sách” và phương châm 4 tại chỗ, bảo đảm “phòng ngừa chủ động, tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương hỗ trợ bổ sung 500.000 Test nhanh kháng nguyên cho tỉnh Bắc Ninh./.